Rối loạn kinh nguyệt là hiện tượng phổ biến ở chị em phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, không những ảnh hưởng đến tâm lý, công việc, sinh hoạt mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro sức khỏe. BS.CKII Lâm Hoàng Duy, Bác sĩ Trung tâm Sản Phụ khoa Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM chia sẻ những dấu hiệu và nguyên nhân rối loạn kinh nguyệt trong bài viết dưới đây để chị em sớm nhận biết và có biện pháp điều chỉnh kịp thời.
Cần biết gì về kinh nguyệt?
Kinh nguyệt là hiện tượng lớp niêm mạc tử cung bong tróc và được đẩy ra khỏi cơ thể phụ nữ qua âm đạo. Độ tuổi trung bình bắt đầu kinh nguyệt là 12 tuổi, có thể bắt đầu sớm hơn lúc 8 tuổi hoặc muộn nhất lúc 16 tuổi.
Chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, tuy nhiên nhiều trường hợp chu kỳ ngắn hơn khoảng 24 ngày hoặc dài hơn khoảng 38 ngày vẫn được xem là bình thường. Thời gian hành kinh khác nhau ở mỗi người, thường là 3-5 ngày. Lượng máu mất đi sau mỗi chu kỳ kinh khoảng 50-150ml.
Rối loạn kinh nguyệt là gì?
Rối loạn kinh nguyệt là những bất thường ở một chu kỳ kinh nguyệt, có thể biểu hiện bằng số ngày hành kinh không ổn định, lượng máu kinh đột nhiên nhiều hơn hoặc ít hơn so với các chu kỳ thông thường.
Bác sĩ Lâm Hoàng Duy cho biết, kinh nguyệt bị rối loạn có thể là dấu hiệu của một bệnh lý nào đó do nội tiết gây ra, vì thế chị em nên thăm khám sớm ngay khi có dấu hiệu để được kiểm tra tìm nguyên nhân, có hướng can thiệp kịp thời tránh những nguy hiểm đến sức khỏe cũng như khả năng sinh sản.
Dấu hiệu của rối loạn kinh nguyệt
Một chu kỳ kinh nguyệt vẫn được xem là đều đặn nếu chỉ thay đổi một chút từ chu kỳ này sang chu kỳ khác. Rối loạn kinh nguyệt chỉ những tình huống sau đây:
- Khoảng cách giữa các kỳ kinh ít hơn 24 ngày hoặc dài hơn 38 ngày.
- Mất kinh từ 3 chu kỳ hay mất kinh 3 tháng trở lên.
- Lượng máu kinh đột nhiên chảy nhiều hơn hoặc ít hơn so với những chu kỳ thông thường.
- Thời gian hành kinh kéo dài hơn 8 ngày.
- Chảy máu bất thường hoặc xuất hiện đốm máu giữa các chu kỳ kinh, sau khi quan hệ tình dục hoặc sau mãn kinh.
- Trong kỳ kinh gặp phải các triệu chứng nặng nề như chuột rút, đau bụng dữ dội, buồn nôn, nôn.
Các dạng rối loạn kinh nguyệt phổ biến
Nếu gặp phải một hoặc nhiều tình huống sau, có thể chị em đang bị rối loạn kinh nguyệt.
1. Rong kinh
Hiện tượng chảy máu kinh nguyệt được xem là nặng (rong kinh) nếu cản trở các hoạt động sinh hoạt hàng ngày và công việc. Thông thường, lượng máu mất ở mỗi kỳ kinh khoảng 50-150ml. Nếu chị em mất nhiều máu, gấp 10-25 lần lượng máu thông thường ở mỗi kỳ kinh, hoặc phải thay băng vệ sinh liên tục mỗi giờ thay vì 3-4 lần mỗi ngày, đó là hiện tượng rong kinh.
Tình trạng rối loạn kinh nguyệt nếu nghiêm trọng có thể khiến bệnh nhân phải tạm dừng các hoạt động sinh hoạt và công việc hàng ngày chỉ để đối phó với lượng máu kinh ra quá nhiều.
Hiện tượng rong kinh có thể xuất hiện ở các giai đoạn khác nhau trong cuộc đời của người phụ nữ, có thể xuất hiện ở những năm tuổi thiếu niên khi nữ giới bắt đầu có kinh nguyệt, hoặc vào những năm 40-50 tuổi khi phụ nữ bước sang tuổi tiền mãn kinh.
Ngoài ra, rong kinh còn xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác như:
- Mất cân bằng nội tiết tố (hormone) trong cơ thể.
- Viêm nhiễm cổ tử cung hoặc tử cung.
- U xơ tử cung.
- Tác dụng phụ khi đặt dụng cụ tử cung tránh thai
- Suy giáp (do tuyến giáp hoạt động yếu kém).
- Sự thay đổi trong chế độ ăn uống hoặc tập luyện thể dục thể thao.
“Bất kỳ tình huống rong kinh nào đều cần được thăm khám, kiểm tra tìm nguyên nhân để có hướng can thiệp xử trí kịp thời, tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra”, bác sĩ Hoàng Duy nhấn mạnh.
2. Vô kinh
Một số chị em có thể gặp tình huống ngược lại rong kinh, đó là hoàn toàn không có kinh nguyệt, gọi là vô kinh hoặc mất kinh. Tình trạng vô kinh được xem là bình thường trước tuổi dậy thì, đang mang thai và sau khi mãn kinh. Nếu chị em không có kinh nguyệt hàng tháng và không thuộc 3 nhóm kể trên, chị em nên thăm khám ngay để được bác sĩ tư vấn giải pháp can thiệp phù hợp.
Có 2 loại vô kinh, gồm:
- Vô kinh nguyên phát: trường hợp nữ giới đã bước sang tuổi 16 nhưng vẫn chưa có kinh nguyệt. Nguyên nhân bởi những bất thường trong hệ thống nội tiết, các vấn đề ở buồng trứng, vùng dưới đồi hoặc bất thường về gen.
- Vô kinh thứ phát: trường hợp nữ giới có kinh nguyệt đều đặn nhưng đột ngột mất kinh trong 3 tháng hoặc lâu hơn. Nguyên nhân có thể do rối loạn nội tiết tố trong cơ thể, vấn đề tuyến yên, tuyến giáp, bệnh lý u nang buồng trứng hoặc đã phẫu thuật cắt bỏ buồng trứng.
3. Đau bụng kinh
Hầu hết phụ nữ đều từng bị đau bụng kinh trước hoặc trong kỳ kinh nguyệt vào một thời điểm nào đó trong cuộc đời. Ở một số người, triệu chứng đau bụng kinh xảy ra nhẹ nhàng ở mỗi tháng. Tuy nhiên, nếu tình trạng trạng đau đớn và kéo dài gọi là thống kinh, chị em cần tham vấn ý kiến bác sĩ để được chăm sóc sức khỏe đúng cách.
Chị em có thể gặp những cơn đau bụng kinh nguyệt như chuột rút là do tử cung co thắt dưới sự kích hoạt của Prostaglandin – một chất giống như hormone được sản xuất bởi các tế bào niêm mạc tử cung và lưu thông trong máu. Khi bị thống kinh, chị em có thể có cảm giác tiêu chảy hoặc muốn ngất xỉu, người trở nên nhợt nhạt và đổ nhiều mồ hôi bởi Prostaglandin làm tăng tốc độ co bóp tử cung, làm giãn mạch máu, hạ huyết áp và chóng mặt.
4. Hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS)
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt thường xuất hiện khoảng 5-7 ngày trước khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu, và biến mất ngay khi kỳ kinh nguyệt bắt đầu hoặc ngay sau đó. Một số chị em phải trải qua một loạt các triệu chứng về thể chất và cảm xúc, trong khi một số khác lại gặp ít triệu chứng hoặc thậm chí không gặp triệu chứng gì. Một khảo sát cho kết quả khoảng 30-40% phụ nữ có thể gặp phải các triệu chứng tiền kinh nguyệt nặng nề, gây ảnh hưởng đến các hoạt động sinh hoạt và công việc hàng ngày.
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt về mặt thể chất gồm có:
- Đầy bụng;
- Căng, sưng và tức ngực;
- Nhức đầu;
- Táo bón.
Các triệu chứng tiền kinh nguyệt về mặt cảm xúc gồm có:
- Dễ tức giận và cáu gắt;
- Lo lắng và bối rối;
- Căng thẳng, tâm trạng thất thường;
- Không có khả năng tập trung;
- Trầm cảm.
Bác sĩ Hoàng Duy chia sẻ, hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) gây ra bởi sự tăng và giảm nồng độ Estrogen và Progesterone trong cơ thể, ảnh hưởng đến các chất có trong não, chẳng hạn như Serotonin – một chất có khả năng ảnh hưởng mạnh đến tâm trạng và cảm xúc.
Hiện nay vẫn chưa rõ nguyên nhân tại sao một số phụ nữ bị rối loạn kinh nguyệt lại phát triển hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS) hoặc rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD – một dạng nặng nhất của PMS), trong khi một số khác lại không. Một số nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng những trường hợp này có sự nhạy cảm hơn khi có sự thay đổi nồng độ hormone trong cơ thể.
5. Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD)
Rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là một dạng nghiêm trọng nhất của hội chứng tiền kinh nguyệt (PMS). Khoảng 3-8% phụ nữ trải qua các triệu chứng PMDD cho biết điều này ảnh hưởng nặng nề đến chất lượng sống của họ.
Các triệu chứng phổ biến nhất của rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt (PMDD) là dễ cáu gắt, lo lắng và tâm trạng thay đổi thất thường. Phụ nữ có tiền sử trầm cảm, bị trầm cảm sau sinh hoặc rối loạn cảm xúc có nguy cơ bị rối loạn tâm thần tiền kinh nguyệt cao hơn những người phụ nữ khác.
Nguyên nhân gây rối loạn kinh nguyệt
Có nhiều nguyên nhân khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt, trong đó phổ biến nhất là:
1. Sự thay đổi nội tiết tố
Tình trạng mất cân bằng nội tiết tố trong cơ thể phụ nữ sẽ xảy ra ở một vài giai đoạn trong suốt cuộc đời người phụ nữ như dậy thì, mang thai, cho con bú, tiền mãn kinh và mãn kinh.
- Dậy thì: khi bước sang tuổi dậy thì, cơ thể nữ giới phải mất nhiều năm mới có thể cân bằng được nồng độ Estrogen và Progesterone trong cơ thể. Vì thế, rối loạn kinh nguyệt có thể xảy ra ở giai đoạn này.
- Mang thai và cho con bú: trong suốt thời gian mang thai và ngay cả thời điểm cho con bú 6 tháng, phụ nữ sẽ mất kinh.
- Tiền mãn kinh: buồng trứng suy giảm, không còn hiện tượng rụng trứng nên phụ nữ tiền mãn kinh sẽ mất dần kinh nguyệt. Phụ nữ được xem là mãn kinh khi không còn xuất hiện kinh nguyệt trong 1 năm.
2. Các nguyên nhân thực thể
- Thai kỳ bất thường như mang thai ngoài tử cung, dọa sảy thai…
- Các bệnh lý phụ khoa như polyp tử cung, u xơ tử cung, buồng trứng đa nang, quá sản nội mạc tử cung, ung thư cổ tử cung…
- Các bệnh lý viêm nhiễm như viêm nhiễm đường sinh dục, viêm niêm mạc tử cung…
- Các bệnh lý khác như đái tháo đường, u giáp, u tuyến yên…
3. Ảnh hưởng của thói quen ăn uống và sinh hoạt
Hiện tượng này có thể xảy ra khi những thói quen trong chế độ ăn uống, tập luyện và sinh hoạt hàng ngày bị thay đổi. Cụ thể là:
- Chế độ ăn uống: thay đổi khẩu phần ăn hàng ngày, thiếu hụt dinh dưỡng, giảm cân hoặc tăng cân quá mức có thể khiến chị em bị rối loạn kinh nguyệt.
- Tập luyện thể dục, thể thao quá mức có thể kéo dài ngày hành kinh và tăng lượng máu kinh.
- Sử dụng các loại thuốc tránh thai, thuốc điều trị bệnh đái tháo đường, cao huyết áp… cũng gây tác dụng phụ là rối loạn kỳ kinh nguyệt.
Rối loạn kinh nguyệt có nguy hiểm không?
Nhiều chị em bị rối loạn kinh nguyệt thắc mắc tình trạng này có nguy hiểm không. Bác sĩ Hoàng Duy cho biết, kinh nguyệt là một trong những dấu hiệu gián tiếp thể hiện sự hoạt động bình thường của các cơ quan sinh sản ở phụ nữ, bất kỳ tình huống nào đều tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng thụ thai và mang thai của phụ nữ.
Bên cạnh đó, tình trạng rối loạn kinh nguyệt diễn ra thường xuyên và kéo dài có thể dẫn đến nhiều nguy hiểm khác, trong đó phải kể đến:
- Thiếu máu: tình trạng rong kinh, cường kinh kéo dài gây mất nhiều máu có thể khiến chị em bị thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi, chóng mặt, thở gấp, loạn nhịp tim… Nguy hiểm hơn, thiếu máu nặng có thể bị đe dọa đến tính mạng.
- Tăng nguy cơ mắc bệnh phụ khoa: thời gian hành kinh kéo dài không chỉ gây bất tiện trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày, mà còn là môi trường thuận lợi cho vi khuẩn, ký sinh trùng dễ tấn công và gây nên các bệnh viêm nhiễm phụ khoa như viêm âm đạo, viêm buồng trứng…
- Tăng nguy cơ khó đậu thai: chu kỳ kinh nguyệt không đều đặn khiến chị em khó canh thời điểm rụng trứng, dẫn đến khó thụ thai thành công để mang thai.
- Ảnh hưởng đến đời sống tình dục: chu kỳ kinh kéo dài ảnh hưởng tâm lý người phụ nữ khi quan hệ tình dục hoặc không thể quan hệ tình dục, hoặc nếu quan hệ vào những ngày hành kinh sẽ khiến chị em dễ mắc các bệnh phụ khoa.
- Ảnh hưởng đến nhan sắc người phụ nữ: Estrogen và Progesterone đóng vai trò quan trọng đối với sức khỏe và sắc đẹp nữ giới. Tình trạng rối loạn hormone sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến nhan sắc chị em, khiến làn da kém mịn màng, tâm trạng dễ cáu gắt, nóng nảy…
- Dấu hiệu của bệnh lý phụ khoa cần điều trị sớm: một số trường hợp rối loạn kinh nguyệt là triệu chứng của bệnh lý như u xơ tử cung, u nang buồng trứng… nếu không được phát hiện sớm và can thiệp kịp thời có thể biến chứng, chèn ép các cơ quan lân cận; hoặc rối loạn kinh nguyệt cũng là biểu hiện của các bệnh lý ung thư như ung thư cổ tử cung, ung thư buồng trứng, ung thư nội mạc tử cung… có thể đe dọa tính mạng phụ nữ nếu không điều trị kịp thời.
Chảy máu kinh nguyệt nặng kéo dài mà không được kiểm soát có thể gây mất máu nghiêm trọng, khiến chị em bị choáng váng, ngất xỉu, nguy hiểm đến tính mạng
“Khi nhận thấy các biểu hiện của rối loạn kinh nguyệt, tốt nhất chị em nên đến ngay cơ sở y tế để được thăm khám, làm các xét nghiệm kiểm tra để cho kết quả chẩn đoán chính xác nhất, phát hiện sớm tình huống kinh nguyệt bị rối loạn do bệnh lý nguy hiểm để có can thiệp kịp thời và hiệu quả, tránh những nguy hiểm đáng tiếc xảy ra”.
Hy vọng những thông tin trên đây đã giúp chị em nắm rõ về hiện tượng rối loạn kinh nguyệt để phát hiện sớm, thăm khám và can thiệp kịp thời. Nếu có bất kỳ lo lắng hoặc băn khoăn nào, chị em có thể liên hệ đến hotline Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được các chuyên gia Sản Phụ khoa giỏi hỗ trợ!
>> XEM THÊM : : https://www.mayhutchannam.com/
địa chỉ: 658 Nguyễn Văn Cừ, Long Biên, Hà Nội
Sdt : 096 919 2228.
Youtube : https://www.youtube.com/@anhtuyetzikii899
Zalo : https://zalo.me/g/xmlfnm923
Wedside : https://www.mayhutchannam.com/
Wedside : https://hocvienthammyzikii.vn/
Gmail : Letuyetzikii@gmail.com
- Nguyễn Công Tùng KLC – Hành Trình Xây Dựng Thương Hiệu Ghế Massage Hàng Đầu Việt Nam
- nội tiết tố nữ ảnh hưởng như thế nào với da?
- Từ Lớp Học Của Thầy Phạm Thành Long Đến Thành Công Với Bộ Sản Phẩm Tắm Trắng Zikii
- Có Thể Điều Trị Và Làm Mờ Sẹo Cũ Đã Hình Thành Lâu Không?
- Bài Học Từ Thầy Phạm Thành Long Áp Dụng Để Lan Tỏa Giá Trị Làm Đẹp